BỆNH CHÂN MÓNG TRÊN BÒ SỮA

Việt Nam là nước nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ và ẩm độ cao. Với phương thức nuôi nhốt thường xuyên trên nền xi măng hoặc bê tông nhám nên móng chân bị bào mòn liên tục và khẩu phần dinh dưỡng chưa cân đối nên tỷ lệ bò sữa bị vấn đề về chân móng rất nhiều, gây thiệt hại về kinh tế 20% cho đàn bò sữa so với bệnh viêm vú chỉ 16,5%. Tỷ lệ bò bị đau chân, viêm móng: đối với chân trước 95% bị đau móng trong, chân sau 95% bị đau móng ngoài.

 

Nguyên nhân:

- Chuồng trại (thiết kế), tiểu khí hậu chuồng trại chưa phù hợp với sinh lý bò sữa. Nền chuồng thấp, luôn ẩm ướt làm móng chân bò bị mềm, chỗ nối giữa lớp da với thành móng dễ bị nứt, khe giữa hai móng chân bị viêm, phân nhét kẽ nứt, tạo cơ hội vi khuẩn trong phân, nhất là vi khuẩn yếm khí gây viêm móng và hình thành ổ viêm có mủ. Vết nứt ngày càng sâu bệnh càng trầm trọng, vi khuẩn xâm nhập lên phía trên gây viêm khớp cổ chân, khớp gối, gây đa viêm khớp.

- Dinh dưỡng (khẩu phần mất cân đối: nhiều tinh bột, thiếu xơ, thiếu Ca, Zn, Cu, Vitamine A, Biotin,….).

- Stress nhiệt dẫn đến bệnh acidosis trên dạ cỏ, độc tố do viêm vú, tổn thương do cơ học,…

- Di truyền (móng chân bò sữa mềm, dễ bị tổn thương hơn so với các giống bò thịt, bò lai hướng sữa khác)

- Vệ sinh kém (chỗ bò nằm nghỉ ngơi, vệ sinh chân móng), bò không được nghỉ ngơi thoải mái (tiếng ồn, thời gian vắt sữa kéo dài, thời gian cho ăn chưa hợp lý),…cũng làm bò bị stress và dễ bị bệnh chân móng.

Triệu chứng:

- Dáng đi khập khễnh, hai chân trước xoạc ra hai bên khi nhìn từ phía trước, các chân thẳng đơ, không gấp lại khi bước đi, sống lưng cong lên, đi chồm về phía trước, ít đi lại, thích nằm, ít ăn làm giảm lượng sữa và khả năng sinh sản.

- Móng chân dài ra, bị vênh

- Xương ngón chân thứ 3 của chân trước bị biến dạng, không có gờ móng

- Đế móng chân bị lõm đều, quan sát rõ ở giữa đế móng, thành móng bị nhô ra.

Một số giải pháp hạn chế bệnh trên chân móng:

- Chọn giống từ những con bò có chân móng khỏe, vững chắc, độ rộng xương ngồi cân đối.

- Chọn giống lai F1, F2 (cái nền Sind) hoặc bò sữa phối tinh Jersey để bộ móng được vững chắc hơn.

- Khẩu phần cân đối phối trộn TMR cho từng loại đàn, lứa tuổi, năng suất sữa, có thể sung thêm Vitamine: A, C, B3,…

- Mật độ chuồng nuôi phù hợp, có sân chơi cho bò vận động, tắm nắng. Chỗ ăn, nghỉ ngơi, vắt sữa riêng biệt.

- Vệ sinh, giữ chuồng luôn khô thoáng, vệ sinh máng ăn thường xuyên kể cả thành máng để bò không ăn phải độc tố nấm mốc. Vệ sinh chuồng trại bằng các chất sát trùng hoặc vôi bột, làm định kỳ hoặc khi thấy chuồng trại quá dơ, ẩm thấp sẽ giúp giảm trên 65% tỷ lệ viêm móng, viêm vú.

- Nước dùng cho bò uống sạch sẽ, mát sẽ kích thích bò uống đủ và uống được nhiều hơn.

- Trang bị quạt để làm khô nhanh nền chuồng, tạo tiểu khí hậu trong và xung quanh chung mát mẻ để bò ăn được nhiều hơn.

- Vệ sinh móng thường xuyên, định kỳ cắt gọt móng để phòng ngừa.

Hình mặt cắt ngang của 1 móng chân bò bình thường.

  1. Vỏ móng: thành, đế móng, cườm móng.
  2. Đệm vỏ móng: lớp màng liên kết, gân cơ gấp, gân cơ duỗi.
  3.  Xương khớp: xương móng, xương khớp móng, xương ghe 

Các cách đánh giá và nhận biết sức khỏe chân móng của bò qua dáng đi:

1. Tư thế đứng và đi bình thường. Tất cả các bàn chân đều đặt có chủ định. Tốt và bình thường. Có thể gọt móng 2 lần trong chu kỳ vắt sữa (120 ngày sau khi vắt sữa lần, 200 ngày mang thai: lần 2)

2. Chân sau đứng thẳng, chân sau đi hơi cong. Dáng đi có dấu hiệu bất bình thường. Gọt móng trong thời gian cho phép (2 lần trong chu kỳ vắt sữa)

3. Tư thế đứng và đi của chân sau cong. Sải chân ngắn. Cần gọt móng ngay.

 

4. Chân sau cong khi đi và đứng. Một trong 4 chân vẫn có tác dụng nhưng chỉ mang được một phần trọng lượng. Có nguy cơ khó đứng lên được khi đang nằm. Cần gọt móng ngay và gấp. Nặng, điều trị rất khó khăn và tốn kém.

 

Một số hình ảnh bệnh trên chân móng bò:

 

1. Bệnh viêm da ngón chân 

2. Móng vênh, xoắn

 

3. Bệnh viêm móng

 

4. Loét móng

 

5. Bệnh đường trắng

 

 

 

 

Bài, ảnh: Ánh Tuyết

 

 

 

 

Zalo