Làm đất gồm tất cả các biện pháp cơ học để đảo hoặc trộn đất như cày, bừa, đào, cuốc, xới v.v nhằm làm cho đất tơi xốp. Làm đất kỹ có thể cải thiện năng lực của đất như khả năng giữ nước, giữ nhiệt, sự thông thoáng, độ thẩm thấu và khả năng bốc hơi của đất…, tuy nhiên, việc làm đất cũng có thể gây ảnh hưởng đến độ phì của đất vì nó làm tăng khả năng xói mòn và phân hủy chất mùn của đất.
Không phải chỉ có một cách làm đất canh tác hợp lý mà còn có hàng loạt các cách làm khác nhau. Tùy vào hệ canh tác và loại đất, mà xây dựng các phương thức làm đất phù hợp khác nhau.
1. Mục đích của việc làm đất
Tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt
Có rất nhiều lý do để làm đất. Những lý do quan trọng nhất là nhằm:
• Làm cho đất tơi xốp để thúc đẩy sự thâm nhập của rễ cây
• Nâng cao sự thông thoáng (khí nitơ và ôxy từ không khí)
• Kích thích hoạt động của các sinh vật trong đất
• Tăng khả năng thấm nước của đất
• Giảm sự bốc hơi
• Phá hủy hoặc kiểm soát cỏ dại và sâu hại trong đất
• Trộn đều tàn dư cây trồng và phân chuồng vào trong đất
• Chuẩn bị chỗ cho hạt giống và cây giống
• Khắc phục những chỗ đất rắn lại mà nguyên nhân là do các hoạt động trước đó gây nên.
2. Giảm thiểu sự xáo trộn trong đất
Việc làm đất ít nhiều có tác động tiêu cực đến cấu trúc đất. Trong đất nhiệt đới, việc làm đất thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho sự phân hủy vật chất hữu cơ diễn ra nhanh hơn và vì thế nó có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng. Việc trộn các lớp đất lên có thể làm hại các sinh vật trong đất ở một mức độ nhất định. Đất sau khi làm rất dễ bị xói mòn nếu như không được che phủ cẩn thận trước sự tấn công của những cơn mưa nặng hạt.
Xói mòn đất sẽ không còn là vấn đề với điều kiện có một loại cây trồng che phủ thường xuyên hoặc có đầy đủ nguyên liệu đầu vào hữu cơ cho đất. Một vấn đề cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nông dân có thể tiết kiệm được rất nhiều nhân công.
Vì vậy, mỗi một vùng đất sẽ phải ước tính khâu chuẩn bị đất sao cho phù hợp nhất với điều kiện của vùng đó. Canh tác không làm đất chỉ có thể được áp dụng đối với một số ít cây trồng, chủ yếu là cây lâu năm. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc làm đất đồng thời tranh thủ những lợi thế của nó, nên hướng tới việc làm giảm tới mức tối thiểu số lần làm đất và lựa chọn các biện pháp làm đất giữ gìn chất lượng tự nhiên của nó.
3. Sự nén chặt của đất
Nếu đất được làm trong điều kiện ẩm ướt hoặc bị đè nén bởi các máy móc nặng, thì đất sẽ có nguy cơ bị làm cho rắn chắc lại, kết quả là cản trở sự phát triển của rễ cây, giảm độ thông thoáng và nước bị ứ lại trong đất.
Ở đâu có vấn đề tiềm ẩn của đất bị rắn chắc, nông dân cần phải nhận thức được các khía cạnh sau đây:
• Nguy cơ gây rắn chắc đất cao nhất khi cấu trúc đất bị xáo trộn trong điều kiện ẩm ướt.
• Không được lái xe trên mảnh đất của bạn ngay sau khi mưa.
• Đất cát ít bị rắn hơn đất thịt.
• Thành phần đất có nhiều vật chất hữu cơ sẽ làm giảm nguy cơ đất bị rắn.
• Rất khó để phục hồi lại một cấu trúc đất tốt sau khi nó đã bị đóng rắn lại.
• Làm đất kỹ càng trong điều kiện khô ráo và trồng cây có rễ ăn sâu trong đất có thể giúp khắc phục sự rắn của đất.
4. Các phương pháp làm đất
Các kiểu làm đất
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng đất canh tác để thực hiện các biện pháp làm đất phù hợp với từng giai đoạn khác nhau của vòng đời cây trồng: sau thu hoạch, trước khi gieo hạt hoặc trồng cây hoặc trong thời gian sinh trưởng của cây trồng.
Sau thu hoạch
Để thúc đẩy quá trình phân hủy thì tàn dư của cây trồng vụ trước phải được vùi đều vào trong đất trước khi lên luống cho cây trồng vụ tiếp theo. Các tàn dư cây trồng, cây phân xanh và phân chuồng sân vườn chỉ nên bón vào lớp đất bề mặt (15-20cm), vì trong lớp đất sâu hơn sự phân hủy xảy ra không hoàn toàn sẽ sinh ra các vật chất gây cản trở có thể làm hại cho cây trồng vụ sau.
Làm đất lần đầu
Đối với những vùng đất mới canh tác hay gieo trồng các cây hàng năm, việc làm đất lần đầu thường được làm bằng máy cày hoặc một loại dụng cụ tương tự. Vì có một nguyên tắc phải đạt được sau khi làm đất là lớp đất bề mặt sau đó phải bằng phẳng và lớp đất sâu ở tầng giữa phải tơi xốp. Cày lật sâu làm trộn lẫn các tầng đất với nhau, sẽ gây hại các sinh vật trong đất và động chạm đến cấu trúc tự nhiên của đất.
Chuẩn bị đất lên luống
Trước khi gieo hạt hoặc trồng cây, sẽ tiến hành làm đất lần thứ hai để làm nhỏ và mềm lớp đất bề mặt đã được cày ải. Chuẩn bị đất lên luống nhằm làm cho đất tơi xốp và có kích thước thích hợp. Nếu cỏ dại nhiều, có thể tiến hành lên luống sớm như thế sẽ cho phép cỏ dại nảy mầm trước khi gieo cây trồng mới.
Làm khô đất sau một vài ngày là điều cần thiết để loại bỏ các mầm cỏ dại. Ở những nơi mà nước có thể đọng lại thì luống nên làm cao hoặc làm thành các gò.
Làm đất trong khi canh tác
Làm đất nông (xới nhẹ đất) khi cây trồng đã được thiết lập như xới cỏ bằng cuốc. Nó còn làm tăng sự thoáng khí, đồng thời giảm sự bốc hơi nước của đất ở những tầng đất sâu hơn.
Khi cây trồng thiếu dinh dưỡng tạm thời, xới nhẹ đất có thể khuyến khích sự phân huỷ vật chất hữu cơ làm cho cây trồng có sẵn các chất dinh dưỡng để sử dụng.
Hình ảnh, bài: Ngọc Sang